Thời điểm giao mùa luôn là nỗi ám ảnh của bậc phụ huynh bởi đây là thời điểm dễ bùng phát các bệnh truyền nhiễm. Gần đây, số ca mắc virus hợp bào hô hấp (RSV) đang có xu hướng gia tăng và diễn biến nặng hơn ở nhóm trẻ nhỏ. Theo thống kê của Bệnh viện Nhi Trung ương, từ đầu năm đến thời điểm hiện tại, tổng số ca nhiễm RSV được ghi nhận trong nội bộ bệnh viện là hơn 1000 ca, các giường bệnh đều kín mít bệnh nhi.
Virus hợp bào hô hấp RSV là nguyên nhân phổ biến gây ra các bệnh lý hô hấp ở trẻ nhỏ. Trong thời tiết giao mùa, điều kiện không khí độ ẩm có sự thay đổi làm gia tăng khả năng sinh sôi phát tán của virus. Bên cạnh đó, hệ thống miễn dịch của trẻ em chưa được hoàn chỉnh, virus hợp bào hô hấp có ái lực mạnh với đường hô hấp trên nên trẻ em là đối tượng dễ mắc RSV nhất.
Triệu chứng của bệnh do virus hợp bào hô hấp RSV
Bệnh do virus hợp bào hô hấp có thể lây lan qua giọt bắn, dịch tiết hô hấp hoặc tiếp xúc với dịch tiết hô hấp nhiễm virus thông qua các bề mặt.
Ở giai đoạn khởi phát, trẻ nhỏ có các triệu chứng rất dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý thông thường khác như ho, hắt hơi, sổ mũi nên cha mẹ dễ chủ quan. Đến giai đoạn toàn phát, trẻ chuyển sang thở khò khè, ho, thở nhanh hơn. Trường hợp trẻ sơ sinh bị nhiễm RSV có thể tím tái hoặc có cơn ngừng thở. Khi trẻ có một các biểu hiện sau, phụ huynh cần đưa ngay trẻ tới bệnh viện: số cao, co giật; tím tái; bỏ bú, kém ăn; thở nhanh rút lõm lồng ngực.
Bệnh nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến biến chứng như suy hô hấp nặng, cần hỗ trợ hô hấp, bội nhiễm thêm vi khuẩn, có thể viêm phổi nặng lên, sốc nhiễm khuẩn, thở máy kéo dài, suy hô hấp cấp tiến triển… Biến chứng nguy hiểm nhất là suy phổi, xẹp phổi, tràn khí màng phổi, ứ khí phổi… Đặc biệt với những trẻ đẻ non, trẻ sơ sinh dưới 3 tháng tuổi, trẻ mắc bệnh tim có tăng áp lực động mạch phổi, trẻ bị loạn sản phế quản phổi, trẻ suy dinh dưỡng nặng thì lại càng dễ mắc bệnh và dễ gây biến chứng.
Biện pháp phòng tránh bệnh do virus hợp bào hô hấp RSV
Để phòng tránh bệnh do virus RSV nói riêng và các bệnh lý viêm đường hô hấp nói chung trong thời điểm giao mùa, phụ huynh cần hạn chế cho trẻ ra đường, chỗ gió lùa, khi ra cần mặc đủ ấm, đeo khẩu trang. Bố mẹ cũng nên giữ vệ sinh mũi họng cho con, nhỏ mũi thường xuyên bằng nước muối sinh lý. Phòng trẻ nhỏ cần được dọn dẹp sạch sẽ, thoáng mát, tránh mùi thuốc lá, than tổ ong.
Về chế độ dinh dưỡng, bố mẹ lưu ý cung cấp chế độ ăn uống đầy đủ thành phần dinh dưỡng, đặc biệt lưu ý bổ sung thêm vitamin, rau xanh ở trẻ lớn và bổ sung kẽm, sắt thông qua đường ăn và uống để tăng sức đề kháng cho trẻ.
Cha mẹ cũng lưu ý tách con ra khỏi những nơi có nguy cơ lây lan bệnh. Không nên cho trẻ chơi chỗ có trẻ bị ốm, hắt hơi sổ mũi hoặc chỗ đông người đụng chạm vào trẻ nhiều. Người lớn khi đi từ ngoài đường, bệnh viện về nên vệ sinh, sát khuẩn trước khi ôm hôn trẻ. Phụ huynh cũng nên hướng dẫn con cách che miệng khi muốn ho, hắt xì.
Xem thêm: Cảnh báo bệnh tay chân miệng ở trẻ trong thời điểm giao mùa