Thời điểm giao mùa, nhất là khoảng tháng 3 đến tháng 5 và từ tháng 9 đến tháng 11 là cơ hội để các bệnh truyền nhiễm bùng phát, trong đó có bệnh tay chân miệng ở trẻ em. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như viêm não, phù phổi cấp, viêm cơ tim và có thể dẫn đến tử vong. Do đó, việc phát hiện sớm và điều trị đúng cách cũng như có biện pháp phòng ngừa là vô cùng quan trọng.
1. Nguyên nhân dẫn đến bệnh tay chân miệng
Bệnh tay chân miệng (HFMD) là một bệnh truyền nhiễm, nguyên nhân đến từ nhóm virus đường ruột Enterovirus gây nên, thường gặp nhất là Coxsackie A16 và Enterovirus typ 71. Ngoài ra cũng có một số chủng virus nhóm A khác như Coxsackie A4-A7, A9, A10 hoặc virus Coxsackie nhóm B (B1-B3, và B5) nhưng những chủng này rất hiếm gặp. Trong đó, virus Coxsackie A16 ít gây ra các biến chứng về thần kinh và có thể tự khỏi trong vài ngày. Tuy nhiên, chủng virus Enterovirus typ 71 (EV71) lại nguy hiểm hơn, nó gây nhiều biến chứng nghiêm trọng như viêm não, viêm phổi, viêm cơ tim và có thể dẫn đến tử vong.
2. Bệnh tay chân miệng có lây không?
Virus tay chân miệng có thể lây lan rất nhanh, trong giai đoạn ủ bệnh người mắc bệnh vẫn có thể phát tán virus ra bên ngoài. Các con đường lây truyền bệnh tay chân miệng ở trẻ cụ thể như sau:
– Trẻ bị nhiễm virus do tiếp xúc trực tiếp với người nhiễm bệnh
– Trẻ hít, nuốt phải các dịch tiết, nước bọt người bệnh khi ăn uống chung, nói chuyện, ho, hắt hơi
– Trẻ tiếp xúc trực tiếp với dịch từ mụn nước, phân của người bệnh
– Trẻ bị lây nhiễm thông qua trung gian như vật dụng, đồ chơi hay bàn tay người chăm trẻ.
Ngoài ra, thời gian lây nhiễm từ trẻ bệnh sang trẻ khác có thể kéo dài vài tuần do virus vẫn còn tồn đọng trong phân và nước bọt của bé. Chính vì vậy mà tay chân miệng có thể lây lan rất nhanh, dễ bùng phát thành dịch lớn.
3. Dấu hiệu nhận biết bệnh tay chân miệng ở trẻ
Bệnh tay chân miệng thường gặp ở trẻ nhỏ, nhất là các bé dưới 5 tuổi. Sau thời gian ủ bệnh khoảng 3 – 6 ngày, bệnh bắt đầu khởi phát và bé sẽ có những triệu chứng sau đây:
– Trẻ bị sốt, mệt mỏi, tùy trẻ mà có thể bị sốt nhẹ (37,5-38 độ C) hoặc bị sốt cao (38-39 độ C)
– Trẻ cảm thấy đau họng và đau rát ở răng và miệng
– Chảy nước bọt nhiều
– Biếng ăn
– Tiêu chảy vài lần trong ngày
Những triệu chứng này rất dễ bị nhầm sang bệnh lý khác nên người chăm sóc trẻ cần đặc biệt chú ý.
Sau 1 – 2 ngày khởi phát bệnh, bệnh sẽ tới giai đoạn toàn phát và ở trẻ bắt đầu xuất hiện các triệu chưng đặc trưng của bệnh như:
– Trẻ bị phát ban dạng phỏng nước ở các vị trí khác nhau trên cơ thể như lòng bàn tay, bàn chân, đầu gối, mông, những nốt phát ban này có thể mọc lồi hoặc ẩn dưới da. Các mụn nước có đường kính 2 – 10mm, màu xám, hình bầu dục, khi sờ có cảm giác cộm, không đau, không ngứa.
– Bố mẹ kiểm tra thấy xuất hiện ở niêm mạc má, lợi và lưỡi của trẻ các bóng nước có đường kính 2 – 3mm và dễ vỡ, khi vỡ tạo thành các vết loét khiến trẻ đau khi ăn, quấy khóc.
– Trẻ bị rối loạn tri giác, mê sảng, co giật.
Ngoài ra, một số trẻ chỉ bị mụn nước rất ít xen kẽ với hồng ban hoặc chỉ xuất hiện hồng ban, có một số trường hợp bé chỉ xuất hiện loét miệng, điều này tùy thuộc vào cơ địa của bé.
4. Bệnh chân tay miệng có thể chữa trị tại nhà không?
Vì bệnh chân tay miệng là do virus nên không có thuốc đặc trị, hiện nay tại Việt Nam cũng chưa có vắc xin phòng cho loại virus này nên chỉ điều trị được triệu chứng. Nếu tình trạng bệnh nhẹ, bố mẹ có thể chăm sóc tại nhà và cũng nên chăm sóc ở nhà để tránh lây nhiễm chéo. Sau khoảng 7 – 10 ngày, trẻ sẽ khỏi bệnh. Một điểm lưu ý là sau khi khỏi bệnh, cơ thể trẻ sẽ miễn dịch với chủng virus gây bệnh nhưng trẻ vẫn có thể tái mắc tay chân miệng do lần bị bệnh sau bé bị mắc một chủng virus khác.
Khi chăm sóc trẻ bị tay chân miệng ở nhà, bố mẹ cần lưu ý:
– Trường hợp trẻ bị sốt cao, bố mẹ có thể sử dụng thuốc Paracetamol để hạ sốt và giảm đau, tuyệt đối không sử dụng thuốc có chứa thành phần Aspirin.
– Sử dụng nước muối 0.9% để sát trùng niêm mạc cho trẻ.
– Đảm bảo chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng, bù nước kịp thời đề phòng trẻ bị mất nước, hạ đường huyết. Đối với trẻ bú mẹ cần tăng cường cho bé bú thành nhiều lần trong ngày.
– Với trẻ lớn hơn cần kiêng các loại thức ăn có thể khiến trẻ đau rát, tổn thương miệng như thức ăn nóng, đặc, cay. Thay vào đó, bố mẹ nên cho trẻ ăn các thức ăn loãng, nguội, dễ tiêu hóa như cháo loãng, súp, sữa, chè…
– Nếu bé từ chối ăn mẹ không nên cưỡng ép mà hãy cho bé uống sữa hoặc ăn sữa chua để thay thế.
– Bổ sung cho bé nhiều trái cây giàu vitamin, khoáng chất.
– Tắm cho trẻ bằng các loại nước có tính sát trùng nhẹ như nước lá chè xanh, lá chân vịt… hoặc nước sạch để vệ sinh cơ thể, tránh bội nhiễm. Sau khi tắm, sử dụng dung dịch Betadine để bôi lên các nốt bỏng nước trên da.
– Không nên sử dụng thuốc kháng sinh khi con không có dấu hiệu bội nhiễm vì thuốc kháng sinh vừa không chữa được bệnh lại còn gây ra nhiều tác dụng phụ.
– Không nên kiêng tắm sẽ khiến trẻ bị ngứa ngáy, dễ dẫn đến nhiễm trùng.
Trường hợp bé sốt cao (trên 39 độ C) kéo dài hơn 48 giờ kèm theo các biểu hiện như da nổi vằn, ói, khó thở, tay chân run rẩy, co giật, tim đập nhanh, gia đình cần đưa trẻ nhập viện ngay lập tức.
5. Phòng ngừa bệnh tay chân miệng ở trẻ
Bệnh tay chân miệng có thể lây lan và bùng phát rất nhanh nên bố mẹ hay người chăm sóc trẻ nên nắm được những cách phòng ngừa bệnh sau đây:
– Rửa tay thường xuyên với xà phòng trước khi chuẩn bị thức ăn, cho trẻ nhỏ ăn – uống, sử dụng nhà vệ sinh, sau khi thay tã cho trẻ và sau khi tiếp xúc với các bọng nước.
– Trẻ em cũng cần được rửa tay bằng xà phòng thường xuyên, giữ cơ thể sạch sẽ.
– Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc người nghi ngờ mắc bệnh tay chân miệng.
– Sử dụng xà phòng để làm sạch các vật dụng, khử trùng bằng các chất tẩy rửa thông thường.
– Tránh ôm, hôn, dùng chung quần áo, đồ dùng cá nhân với trẻ nhiễm bệnh.
– Khi trẻ bệnh, tránh cho trẻ tiếp xúc nơi đông người như đi nhà trẻ, trường học, khu vui chơi trong vòng 10 – 14 ngày đầu.
– Hướng dẫn trẻ che miệng và mũi khi hắt hơi, ho.
Thời điểm giao mùa đang tới, thời tiết nóng ẩm rất thuận lợi cho virus phát triển. Do vậy, chúng ta cần nắm vững các kiến thức về bệnh tay chân miệng ở trẻ để phòng ngừa và kịp thời phát hiện, điều trị, tránh xảy ra các biến chứng nặng nề nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.